TÌM HIỂU MARKETING MIX “TIẾN HÓA” NHƯ THẾ NÀO

Đâu là các biến số cần kiểm soát để thực hiện chiến lược marketing thành công cho từng thị trường mục tiêu? Marketing Mix sẽ là lời giải cho bạn! Marketing Mix là trụ cột của chiến lược tiếp thị, bao gồm các công cụ được doanh nghiệp sử dụng để đạt được trọng tâm tiếp thị trong thị trường mục tiêu.

Theo thời gian, Marketing Mix đã “tiến hóa” thành nhiều dạng mô hình khác nhau. Bạn đã biết hết về nguồn gốc và đặc trưng các loại marketing mix chưa?

Cùng Minh Đức Tech & Media khám phá 5 mô hình marketing mix từ truyền thống đến hiện đại qua các hình dưới đây!

1. 4Ps

Mô hình đầu tiên được giới thiệu bởi giáo sư người Mỹ, Edmund Jerome McCarthy vào năm 1960. Ông đã phân loại các hoạt động marketing khác nhau theo bốn khía cạnh:

• Product – Sản phẩm: Là thứ thỏa mãn nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng. Với khía cạnh này, marketer cần xem xét về sự đa dạng về sản phẩm, chất lượng, thiết kế, điểm đặc trưng, tên thương hiệu, bao bì, kích cỡ, dịch vụ và bảo hành.

• Price – Giá cả: Là chi phí để mua sản phẩm/ dịch vụ. Marketer cần nắm bảng giá, khuyến mại, chiết khấu, thời hạn thanh toán và điều kiện tín dụng.

• Place – Địa điểm: Là nơi khách hàng có thể tiếp cận và mua sản phẩm/ dịch vụ. Địa điểm có thể là hữu hình như một cửa hàng hoặc thuộc nền tảng trực tuyến như sàn thương mại điện tử.

• Promotion – Khuyến mãi/ Xúc tiến thương mại: Bao gồm tất cả các loại quảng cáo, chương trình và hoạt động (online và offline) để quảng bá một sản phẩm/ dịch vụ. Hoạt động này sẽ thay đổi tùy theo phân khúc và chiến lược tiếp thị khác nhau.

2. 7Ps

Năm 1981, hai giáo sư Bernard Booms và Mary Jo Bitner đã ra mắt mô hình 7Ps. Phiên bản cập nhật này đã thêm 3 khía cạnh con người, quy trình và bằng chứng vật lý vào mô hình 4Ps ban đầu.

• People – Con người: Là yếu tố cơ bản trong việc cung cấp bất kỳ sản phẩm/ dịch vụ nào. People đại diện cho tất cả những người có liên quan trong hành trình mua bán sản phẩm, bao gồm: người bán, người mua, nhân viên, đối tác.

• Process – Quy trình: Là lập kế hoạch và ra quyết định để đảm bảo cung cấp một sản phẩm hoặc dịch vụ một cách suôn sẻ.

• Physical evidence – Bằng chứng vật chất: Đại diện cho tất cả các yếu tố môi trường xung quanh người tiêu dùng trong cả quá trình cung cấp dịch vụ/ sản phẩm.

3. 8Ps

Theo Kotler và Keller, 8Ps đại diện cho bức tranh marketing toàn cảnh. Mô hình này dựa trên khái niệm tiếp thị toàn diện được thành lập dựa trên bốn trụ cột: Tiếp thị mối quan hệ, Tiếp thị tổng hợp, Tiếp thị nội bộ và Tiếp thị hiệu suất.

8Ps bắt đầu từ mô hình 4Ps và bổ sung thêm con người, quy trình, chương trình và hiệu suất. Về quy trình và con người có thể hiểu như mô hình 7Ps.

• Program – Chương trình: Đại diện cho các khía cạnh tiếp thị tích hợp, cho phép các marketer xem xét tất cả các chiến lược một cách hệ thống để đạt được mục tiêu của công ty.

• Performance – Hiệu suất: Đại diện cho tất cả các kết quả tài chính và phi tài chính của một công ty. Không chỉ thể hiện ở doanh thu hoặc lợi nhuận cổ điển, Performance còn bao gồm các yếu tố như: khả năng sinh lời, tài sản thương hiệu, vốn chủ sở hữu của khách hàng, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm pháp lý.

4. 4Cs

Năm 1990, giáo sư Robert Lauterborn đã giới thiệu mô hình 4C gồm: người tiêu dùng, chi phí, sự tiện lợi và giao tiếp.

• Consumer – Người tiêu dùng: Khía cạnh này định hướng các công ty nên bán những gì khách hàng tiềm năng muốn. Điểm khởi đầu là đối tượng mục tiêu và cần có một nghiên cứu chuyên sâu để đưa ra lời chào hàng tốt nhất.

• Cost – Chi phí: Thể hiện tổng chi phí sở hữu đối với một sản phẩm hoặc dịch vụ. Giá cả chỉ là một phần của chi phí. Trong khi đó, có nhiều yếu tố khác như thời gian tiếp cận sản phẩm (chi phí thời gian) cũng ảnh hưởng đến chi phí mua hàng.

• Convenience – Sự thuận tiện: Xem xét tất cả các yếu tố tạo sự thuận tiện khi mua hàng hoặc tìm kiếm một sản phẩm/ dịch vụ.

• Communication – Truyền thông: Nhấn mạnh bản chất hai chiều của cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.

5. S.A.V.E

Sự thay đổi của thị trường, hành vi khách hàng, các chiến lược kinh doanh mới,… đã góp phần hình thành một hình thái mới của 4Ps, đó chính là S.A.V.E. Mô hình này chú trọng đến:

• Solution (giải pháp) thay cho Product (sản phẩm):

Thị trường ngày trước tập trung vào sản phẩm (product-centric) đã dần chuyển sang tập trung vào khách hàng (customer-centric). Doanh nghiệp ngày nay không còn bán thứ mình có, mà tập trung vào bán thứ khách hàng cần.

Do vậy, trọng tâm của marketing cũng thay đổi: không còn chỉ tập trung vào tính năng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, mà tập trung vào giá trị mà sản phẩm đó mang lại trong việc giải quyết nhu cầu của khách hàng.

• Access (tiếp cận) thay cho Place (địa điểm):

Sự phát triển mạnh mẽ của Internet đã thay đổi chữ “P” thứ hai này. Thay vì đi đến các điểm bán hàng trực tiếp, khách hàng có thể tiếp cận với thương hiệu thông qua Internet chỉ trong một tích tắc. Vì vậy doanh nghiệp cần linh hoạt về các hình thức và cách thức tiếp cận đến người tiêu dùng, đảm bảo cung cấp được những gì mà khách hàng cần ngay khi nhu cầu của họ nảy sinh.

• Value (giá trị) thay cho Price (giá tiền):

Theo EY FCI cập nhật tháng 6 năm 2020, 50% người tiêu dùng được khảo sát tin rằng cuộc sống của họ sẽ thay đổi nhiều về dài hạn, trong khi 53% cho rằng trải nghiệm đại dịch buộc họ phải đánh giá lại các giá trị tiêu dùng và cách nhìn nhận cuộc sống. Có thể thấy nỗi băn khoăn về giá tiền dần trở nên bé hơn so với nỗi băn khoăn giá trị. Khách hàng hiện nay sẵn sàng bỏ tiền cho những sản phẩm mang giá trị tương xứng. Vì vậy, có thể nói việc định vị giá trị đóng vai cốt lõi khi xây dựng bất kì mô hình kinh doanh nào của doanh nghiệp.

• Education (giáo dục) thay cho Promotion (khuyến mãi):

Trong marketing, khía cạnh giáo dục được thể hiện bằng nhiều hình thức. Đó có thể là đăng các mẹo và thủ thuật trên trang web để người xem có thêm kiến thức, tổ chức hội thảo để gặp gỡ người dùng, chia sẻ thông tin, quảng bá sản phẩm,… Giáo dục sẽ mang lại hiệu quả khi doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng hiện tại và khách hàng tiềm năng những thông tin liên quan đến mối quan tâm của họ, từ đó tạo nên cảm giác thân quen và niềm tin trong một khoảng thời gian lâu dài trước khi đưa ra quyết định mua hàng.

MĐ Team